IMG BẢO TỒN BIỂN VIỆT NAM
Chuyên trang website về Bảo tồn biển tại Việt Nam
IMG-LOGO
Trang Chủ Khu Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản

Khu Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản

Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản được quy định như thế nào?

Biển Việt Nam có tính đa dạng sinh học khá cao, cũng là nơi phát sinh và phát tán của nhiều nhóm sinh vật biển vùng nhiệt đới Ấn Độ - Thái Bình Dương với chừng 11,000 loài sinh vật đã được phát hiện. Bên cạnh đó, Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc và có đường biển dài rất thuận lợi phát triển hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Chính vì vậy, việc quan tâm, quản lý hoạt động thủy sản được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Nhà nước chú trọng. Vì vậy, Chính phủ đã đề ra những quy định cụ thể về hoạt động thủy sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản; quản lý nhà nước về thủy sản. Trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ trình bày về khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cơ sở pháp lý

- Luật số: 18/2017/QH14 ngày 21 tháng 11 năm 2017 sau đây gọi là Luật Thủy sản 2017.

- Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 03 năm 2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thủy sản.

Nguồn lợi thủy sản là gì?

Nguồn lợi thủy sản là tài nguyên sinh vật trong vùng nước tự nhiên có giá trị kinh tế, khoa học, du lịch, giải trí.

Nguồn lợi thủy sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tổ chức, cá nhân có quyền khai thác nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật.

Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản là gì?

Khoản 1 Điều 17 Luật Thủy sản quy định khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản như sau:

  1. Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản là nơi cư trú, tập trung sinh sản, nơi thủy sản còn non tập trung sinh sống thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm hoặc loài thủy sản bản địa hoặc loài thủy sản di cư xuyên biên giới.

Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm là loài thủy sản có phần lớn hay cả vòng đời sống trong môi trường nước, có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học, y tế, sinh thái, cảnh quan và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được quy định tại Phụ Lục II ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 03 năm 2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thủy sản. Ví dụ như: Cá chình mun; Họ cá heo nước ngọt (tất cả các loài); Cá đuối quạt; Bộ san hô đá (tất cả các loài);....

 Loài thủy sản bản địa là loài thủy sản có nguồn gốc và phân bố trong môi trường tự nhiên ở khu vực địa lý xác định.

Loài thủy sản di cư xuyên biên giới có thể hiểu là loài thủy sản có nguồn gốc từ nhiều nơi, di chuyển giữa môi trường nước ngọt và nước lợ hoặc nước biển có thể là để kiếm ăn và không xác định được khu vực địa lý.

Điều tra, xác định khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Khoản 2 Điều 17 Luật Thủy sản quy định việc điều tra, xác định khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản được quy định như sau:

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức điều tra, xác định, ban hành danh mục khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phạm vi cả nước;

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, xác định bổ sung khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, bổ sung danh mục khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Trách nhiệm của cơ quan, trong tổ chức quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Khoản 3,4 Điều 17 Luật Thủy sản quy định trách nhiệm của cơ quan, trong tổ chức quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy như sau:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.